Thiết kế đồ họa là công việc thuộc lĩnh vực sáng tạo, nhưng không có nghĩa là người làm thiết kế sẽ không tuân theo bất cứ một nguyên tắc nào. Trái lại, khi bước chân vào lĩnh vực này, bạn sẽ nhận ra rằng có rất nhiều nguyên tắc thiết kế mà cần phải nắm rõ và tuân theo trước khi bắt tay sản xuất bất kỳ ấn phẩm nào. Để trở thành một Graphic Designer chuyên nghiệp, trước tiên bạn cần phải ghi nhớ những quy tắc cơ bản này để tránh mắc những lỗi sai không đáng có ở trong sản phẩm của mình.
Vậy những nguyên tắc thiết kế đồ họa không nên phá vỡ là gì? Hãy cùng STEP IT Việt Nam tìm hiểu nhé!
1. Không nên sử dụng quá 2 loại font trong 1 thiết kế
Dường như một trong lỗi phổ biến mà các bạn không chuyên về Thiết kế mắc phải, đó chính là sử dụng quá nhiều font chữ trong 1 ấn phẩm. Việc dùng quá nhiều font chữ sẽ gây ra tình trạng thiết kế trông rất rối mắt và không rõ đâu là tiêu đề chính, tiêu đề phụ.
Hãy luôn chọn 2 font chữ trong một thiết kế để vừa tạo được điểm nhấn cho tiêu đề, vừa đồng bộ được thông tin trong ấn phẩm. Một trong những cách kết hợp font thông dụng đó là sử dụng 1 font có chân và 1 font chữ không chân.
2. Thông tin luôn cần được phân cấp
Đây chắc hẳn là một quy tắc mà không Designer nào là không biết khi làm việc trong lĩnh vực Thiết kế. Bằng việc phân cấp thông tin, ấn phẩm sẽ có yếu tố chính - phụ rõ ràng, tạo điểm nhấn cho thiết kế, và quan trọng hơn cả, đó chính là việc thông tin được truyền tải rõ ràng đến với đối tượng khán giả. Bởi, nếu như một thiết kế mà không truyền tải được thông tin đến với người xem, thì tác dụng của ấn phẩm đó là gì?
Để xác định một ấn phẩm có được phân cấp thông tin rõ ràng không, bạn hay đặt ra những câu hỏi sau: Nội dung chính của thiết kế này là gì? Thương hiệu muốn nói điều gì? Thông tin nào quan trọng nhất?
3. Tính đồng nhất trong thiết kế
Đồng nhất không phải là sự nhàm chán, đồng nhất là yếu tố để tạo nên sự xuyên suốt cho thiết kế, và là yếu tố để xây dựng hình ảnh của một thương hiệu. Bằng cách áp dụng nguyên tắc đồng nhất khi thiết kế, các ấn phẩm của chúng ta sẽ có sự liên kết với nhau, tạo nên sự hài hòa, đồng điệu và mang lại cảm giác dễ chịu cho người xem. Hãy thử tưởng tượng rằng khi bạn xem một chiến dịch quảng cáo của một thương hiệu mà các ấn phẩm truyền thông của họ có sự khác biệt quá rõ rệt trong phong cách, liệu bạn có tự hỏi rằng đây có phải là cùng một chiến dịch của thương hiệu không?
Sự đồng nhất càng được đề cao khi bạn thiết kế bộ nhận diện cho các thương hiệu. Bởi, điều mà các thương hiệu luôn cố gắng xây dựng, hướng đến, là một hình ảnh xuyên suốt và đồng bộ
4. Luôn kiểm tra chính tả và ngữ pháp trong thiết kế
Tưởng chừng như là một việc đơn giản và hiển nhiên, vậy nhưng đây là một công đoạn cực kỳ cần thiết mỗi khi kiểm tra lại ấn phẩm thiết kế. Hãy thử tượng tượng xem một ấn phẩm được quảng bá trong trung tâm thương mại, tiếp cận đến nhiều đối tượng khán giả, nhưng lại chẳng may mắc một lỗi chính tả chỉ vì không ai kiểm tra lỗi này trước khi gửi in, điều này sẽ thật tồi tệ phải không nào?
Kiểm tra ngữ pháp không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra chính tả, mà còn phải đảm bảo rằng không có hiện tượng “rơi chữ”. Khi xuống dòng, Designer cần phải chắc chắn giữ đầy đủ nguyên một từ, không được để cắt, ngắt ký tự chỉ bởi vì xuống dòng. Việc này sẽ vô tình làm mất tính liên tục của đoạn văn và “ngắt” mạch đọc của người xem.
5. Hãy hiểu về khoảng trắng (white space)
Trước tiên, hãy nhớ rằng không nhất thiết phải bỏ vào thông tin, yếu tố thiết kế mọi chỗ ở trong ấn phẩm. Việc này sẽ tạo ra cảm giác “ngộp thở” cho người xem và khiến họ cảm thấy đây giống như một mớ hỗn độn hơn là một ấn phẩm thiết kế vậy.
Hãy nhớ rằng, trong thiết kế đồ họa, khoảng trắng sẽ giúp mắt người xem được nghỉ và họ được “thở” khi xem thiết kế. Bên cạnh đó, biết cách kết hợp khoảng trắng trong thiết kế cũng sẽ giúp sản phẩm của bạn có sự tinh tế, hài hòa giữa các yếu tố hơn.
Lời kết
Sáng tạo là một yếu tố được đặt lên hàng đầu trong lĩnh vực Thiết kế đồ họa, nhưng hãy nhớ rằng, kể cả sáng tạo cũng có khuôn khổ. Bằng việc nắm lòng những quy tắc không được phá vỡ đối với việc thiết kế, Graphic Designer không chỉ xây dựng cho mình nền móng kiến thức vững chắc, mà còn giúp những sản phẩm thiết kế của mình trở nên chuyên nghiệp và bài bản hơn rất nhiều.